Đặc sắc trong phong tục ở Lào có thể bạn chưa biết

Đặc sắc trong phong tục ở Lào có thể bạn chưa biết

Lào, trước đây được gọi là Vương quốc Lạn Xạng, có nghĩa là “Triệu Voi”. Được mệnh danh là “vùng đất triệu voi”. Lào nằm ở giao điểm của hai quốc gia văn minh hùng mạnh và vĩ đại nhất Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc. Người Lào đã tiếp thu những phong tục tập quán, tín ngưỡng của hai nền văn minh này và hình thành nên những nét văn hóa riêng rất độc đáo. Người Lào đã hình thành nhiều phong tục tập quán tốt đẹp trong quá trình lịch sử. Hãy cùng wpg tìm hiểu về những nét đặc sắc trong phong tục của người Lào nhé !

Ẩm thực của người Lào

Ẩm thực Lào mang phong cách tương tự các quốc gia láng giềng là Campuchia và Thái Lan: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, ẩm thực lại mang những phong cách đặc trưng rất riêng.

Nền văn hóa độc đáo của người Lào thể hiện trong văn hóa ẩm thực. Người Lào ăn gạo là chính; các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc…

Món ăn tiêu biểu của người Lào là sự pha trộn giữa cay và ngọt; được trung hòa thêm thảo mộc. Mắm cá (pa dek) và mắm Cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, củ hành… hầu như nhà nào cũng có và nước mắm (nám pla) được người Lào sử dụng hết sức phổ biến.

Lễ hội ở Lào

lễ hội ở Lào

Lào là xứ sở của lễ hội, tháng nào trong năm cũng có. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương Lịch, Tết Nguyên Đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bun PiMay vào tháng 4) và Tết H’mong (tháng 12).

Vì đạo phật ở Lào có tự lâu đời phát triển mạnh trở thành quốc đạo; các nhà chiêm tinh học tính ngày tháng theo phật lịch, nên năm mới hàng năm bắt đầu vào tháng tư dương lịch. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết; tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào.

Nền văn hóa độc đáo của người Lào được thể hiện trong những ngày lễ hội vui chơi là chủ yếu; tuy nhiên họ cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống thịnh trọng hơn ngày thường; đặc biệt là không thể thiếu rượu. Ngày tết từ sáng sớm dân làng diện những bộ đồ đẹp nhất, nhất là chàng trai; cô gái với đủ áo váy màu sắc sặc sỡ, tập trung tại sân chùa để dự lễ tắm phật.

Nghệ thuật dân tộc Lào

nghệ thuật ở Lào

Nhân dân các dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Không chỉ trong những ngày lễ hội, vui chơi hợp quần… Người Lào còn hay ca hát trong sản xuất ngoài ruộng nương, đi hái lượm trong rừng, xuôi ngược trên các dòng sông.

Dân ca Lào rất phong phú, giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc; được phổ biến rộng rãi trong nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn nẳng-xử… Mỗi loại lại mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương. “Lăm” sử dụng nhiều thể loại thơ nhất được quần chúng ưa thích nhất và phổ biến trong cả nước.

Văn hóa nghệ thuật độc đáo của Lào còn thể hiện trong các điệu múa phổ biến rộng rãi, từ thành thị đến nông thôn. Trong những ngày lễ hội lớn nhỏ ở Lào đều tổ chức vui chơi hợp quần; trong đó không thể thiếu tiết mục múa. Có điệu múa một người, hai người hoặc tập thể vài chục người (lăm-vông). Những đêm hội, già trẻ, gái trai đều tham gia múa ca một cách tự nhiên thoải mái. Các điệu múa của Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống; động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc.

Trang phục truyền thống

trang phục truyền thống

Từ lâu trong mỗi bản mường, nhân dân có khả năng tự túc được các loại chăn, vải. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả rừng, củ rừng. Các cô gái thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu cỏ cây hoa lá tự nhiên trong rừng núi bao la trùng điệp của quê hương mình. Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn tay ngắn, quần đùi; bên ngoài quấn chiếc khăn gọi là “phạ-xà-rông” màu, kẻ ô vuông. Khi đi lao động ngoài ruộng rẫy, nam giới mặc quần đùi hoặc quần dài nhuộm chàm.

Văn hóa trang phục độc đáo của người Lào còn được thể hiện trong những ngày lễ hội trang trọng, nam giới mặc y phục dân tộc. Đó là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái. Bên ngoài chiếc quần đùi giản dị, các chàng trai Lào quấn chiếc khăn dài rộng gọi là “phạ nhạo nếp tiêu” màu sắc sặc sỡ (rộng hơn phạ-xạ-rông, khi mặc cuốn qua háng rồi nhét vào cạp sau).

Lúc còn nhỏ, phụ nữ Lào để tóc hoặc hớt tóc. Trên mười tuổi thường búi tóc; một số địa phương như ở Luổng-pha-bang có tục búi tóc lệch hoặc thẳng để phân biệt giữa các cô gái có chồng và chưa có chồng.

Phong tục cưới hỏi

Hình thức cưới xin ở Lào khá phong phú; phản ánh khá rõ nét một hình thức sinh hoạt tinh thần của người Lào và tích tụ nhiều tập quán cổ của mỗi nhóm dân tộc. Tục cưới xin của người Lào từ trước đến nay thường theo trình tự từ dạm hỏi, lễ cưới và lại nhà như ở Việt Nam. Chỉ có điều khác là đến giờ cưới, khi làm lễ, trưởng họ nhà trai chúc, vẩy nước và buộc chỉ cổ tay cho cô dâu, chú rể. Sau lễ cưới, chàng trai ở rể và tham gia lao động với gia đình vợ.

Việc cưới xin ở Lào còn có tục kan-xu (cho nợ lễ cưới). Vợ chồng nghèo có thể lấy nhau; sau khi làm ăn khá giả, sẽ tổ chức đám cưới theo tập tục của bản mường.

Tục lệ ma chay

Trong gia đình, khi có người chết thì những người thân dù đau thương nhưng không khóc lóc thảm thiết mà nén lòng chịu đựng.

Người chết là ông bà, cha mẹ thì con cháu dùng nước dừa non để rửa mặt; dùng giấy in dấu chân tay để thờ cúng. Thi hài được vẩy nước thơm và được người thân lấy đồng tiền được mài sáng cho vào miệng; lấy chỉ trắng buộc một vòng vào cổ, hai tay và hai chân. Dù hoả táng hay chôn thì thi hài của người chết cũng được đặt vào quan tài.

Chọn vị trí chôn cất hay hoả táng trong bãi tha ma; người Lào thường dùng nắm xôi hay quả trứng tung lên. Nếu quả trứng hay nắm xôi rơi ở đâu thì chôn hay hoả táng ở vị trí đó.

Nếu hoả táng thì ba ngày sau, người thân mời bà con và các vị sư ra nhặt xương, đem bỏ vào hũ sành, đưa về đặt ở các tháp trong chùa để tiện thờ cúng.

Nguồn: vietnamconsulate-luangprabang.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội