Top những món ăn châu Âu khiến bạn khóc thét

Top những món ăn châu Âu khiến bạn khóc thét

Chắc hẳn bạn đã từng xem những video người nước ngoài khóc thét bởi các món ăn nổi tiếng của Việt Nam như trứng vịt lộn, đuông dừa, mắm tôm, trứng bắc thảo,…Những món ăn có phần hơi đáng sợ đó đã tạo nên một định kiến rằng người châu Á là chủ nhân duy nhất của trường phái ẩm thực kinh dị. Nhưng trên thực tế, do khác biệt văn hoá nên hầu hết mọi quốc gia đều sở hữu cho mình một vài món ăn được cho là kinh dị đối với phần còn lại của cả thế giới.

Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Họ không chỉ sở hữu cho mình danh sách dài những món bánh ngọt ngào, rượu vang đỏ quý hiếm,… mà còn có vô số món ăn không kém phần ghê rợn, khiến chúng ta chỉ cần nghe tên cũng đã sởn hết da ga. Hãy cùng wpg điểm danh những cái tên thuộc trường phái ẩm thực kinh dị của châu Âu qua bài viết dưới đây

Bánh pancake huyết lợn (Phần Lan & Thuỵ Điển)

Pancake làm từ huyết lợn của Phần Lan và Thuỵ Điển

Pancake thì ai cũng biết, huyết cũng là một món ăn ngon đối với một số người. Tuy nhiên pancake làm từ bột mì, bơ mà trộn với huyết thì… hơi khó tưởng tượng nhỉ? Ấy thế mà món này được xem là món ăn bổ dưỡng giàu chất sắt của Phần Lan và Thuỵ Điển, có tên là Bloodplättar hoặc Veriohukainen.

Món bánh này được làm từ sữa tươi, bột mì rye, mật mía đen, hành, bơ và… huyết lợn. Huyết lợn ở dạng lỏng được cho vào cùng với các nguyên liệu còn lại và trộn như pancake bình thường, sau khi làm chín thì thường ăn cùng với mứt dâu lingon.

Canard à la presse (Pháp)

Tên Việt hoá của món này là vịt bóp, nhưng cái tên này không đủ để mô tả món ăn này. Thoạt nhìn đây là món vịt bình thường, tuy nhiên cách làm mới khiến nhiều người phải suy nghĩ. Một con vịt vừa đủ trưởng thành, còn trẻ và mập mạp sẽ được giết chết bằng cách… chèn cho nghẹt thở. Cách này được cho là giúp giữ máu trong thịt không bị thất thoát, song nhiều nhà nhân đạo cũng cho rằng quá trình này gây đau đớn tột cùng cho chú vịt. Cách này trong tiếng Anh có tên asphyxiate, từ này cũng dùng để mô tả hành động chèn cho nghẹt thở của các thế võ trong quân đội.

Món vịt bóp của Pháp

Cũng như món trứng vịt lộn khiến nhiều người phương Tây “sợ hãi” thì món này cũng không được nhiều nhà quyền lợi động vật đánh giá cao. Sau đó, xác vịt sẽ được cho vào một dụng cụ đặc biệt, và đầu bếp sẽ dùng sức ép để chắt ra máu. Phần máu này hoà lẫn với vụn thịt và các bộ phận khác và được dùng để chế biến các món ăn khác.

Tuy nhiên, dù có thế nào thì cũng không thể chối bỏ rằng món vịt bóp này chính là một trong những tinh hoa ẩm thực Pháp; với cách chế biến được đánh giá là giúp thịt vịt mềm và ngon ngọt hơn.

Hákarl (Iceland)

Những tưởng các món lên men phải khiến nhiều người phương Tây “chạy dài” do mùi hương; tuy nhiên ở Iceland lại nổi tiếng với món thịt cá mập “ỉu” (rotten sharks).

Vốn loài cá mập Greenland sinh sống ở vùng biển lạnh lẽo; nên cơ thể phải tự tiết ra một loại chất đặc biệt để giữ ấm, khiến chúng không bị đóng băng. Loại chất này đối với con người vô cùng độc. Vậy nên nếu muốn chế biến cá mập thì phải tìm cách khử hết độc tố ra ngoài.Xác cá mập được chôn dưới đất và nén bằng những hòn đá để ép ra các chất độc trong cơ thể cá. Sau khi đã ép hết độc thì những xác này sẽ được treo lên phơi khô.

Iceland nổi tiếng với món thịt cá mập ỉu

Trong khoảng thời gian phơi, thịt sẽ bắt đầu rữa ra; lớp axit uric độc hại dần tan. Các nhà sản xuất Hákarl cho biết, công đoạn phơi khô sẽ kết thúc khi họ thấy thịt có đủ mùi và lớp vỏ bên ngoài màu nâu giòn. Cuối cùng, chỉ việc cắt bỏ phần thịt nâu; lấy lớp thịt trắng bên trong, và chúng ta có một món đặc sản.

Ngày nay, Hákarl vẫn được làm theo cách truyền thống và bày bán ở các cửa hàng tạp hóa khắp Iceland. Không chỉ đơn thuần là một món ăn, Hákarl là niềm tự hào; là nét văn hóa của người dân nơi đây. Nhưng nếu bạn có dịp thử món này thì nên xác định trước tinh thần nhé…

Casu Marzu (Ý & Pháp)

Món phô mai giòi thì quá nổi tiếng, đến mức ai không hảo phô mai cũng phải biết. Đơn giản vì nó… có giòi. Ta đã từng thấy nhiều người nước ngoài “giật mình thon thót” với các món đun dừa chấm mắm còn ngoe nguẩy; song món phô mai độc đáo này lại khá phổ biến với nhiều người sành ăn phô mai.

Casu Marzu là đặc sản nổi tiếng và được yêu thích nhất vùng Sardinia. Nó là loại pho mát siêu mềm; vị cay sâu tới mức thực khách phải ứa nước mắt hay bỏng lưỡi. Một số người cho rằng Casu Marzu có vị như pho mát Gorgonzola đã chín. Tương tự đó, thay vì những vân xanh thơm ngon của Gorgonzola thì Casu Marzu chứa đầy giòi. Chỉ một miếng nhỏ loại pho mát này có thể chứa tới cả nghìn con giòi sống nhúc nhích.

Thực tế, người dân Sardinia cho biết vị cay và béo ngậy của pho mát chỉ có thể cảm nhận được khi ăn những con giòi đang còn sống và ngọ nguậy. Những con giòi đã chết thì bánh pho mát Casu Marzu cũng hỏng theo; quá thối rữa và trở thành chất độc hại đối với con người.

Theo như quyển sách hướng dẫn ăn các món ăn “kinh dị” nhất thế giới của Mark Frauenfelder; vẫn có sự lựa chọn cho những người không ưa côn trùng sống. Những người này có thể chụp một lớp màn nilon bọc quanh món phô mai này; khiến các con côn trùng phải nhảy “tí tách” vì thiếu dưỡng khí; chờ cho chúng chết đi rồi… thưởng thức.

Surströmming (Thuỵ Điển)

Hay còn gọi là món cá trích Baltic, cá trích lên men; là một món ăn truyền thống của Thuỵ Điển, thường được đánh bắt ở vùng Biển Bắc trước mùa sinh sản.Món Surströmming thách thức cả những thực khách can đảm nhất; vì mùi của nó mạnh tới mức nhiều người phải đem hộp cá ra ngoài trời mới dám mở.

Surströmming là cá trích Baltic lên men chua

Surströmming là cá trích Baltic lên men chua (thường gọi là cá trích thối); một món ăn truyền thống ở miền bắc Thụy Điển. Có giả thuyết cho rằng vào thế kỷ 16, khi ngư dân không thể bảo quản cá vì thiếu muối ; nên họ bán lại số cá hỏng cho người dân trên các đảo của Phần Lan.

Đây tưởng chừng là một món cá ngâm muối bình thường; tuy nhiên lại đặc biệt ở chỗ lượng muối được dùng. Lượng muối được dùng để bảo quản món cá này là rất ít; chỉ vừa đủ để không thối rữa. Quá trình lên men của món cá này mất ít nhất 6 tháng; mang lại cho thành phẩm một mùi hương mạnh mẽ, có vị chua nồng. Được biết, nhiều người bản địa đôi khi cũng không chịu nổi mùi hương này.

Nguồn: kenh14.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội