Phong tục cưới hỏi thú vị của Người Chăm tại Ninh Thuận

Phong tục cưới hỏi thú vị của Người Chăm tại Ninh Thuận

Việt Nam có khá nhiều dân tộc thiểu số và người Chăm là một trong những dân tộc thiểu số có phong tục tập quán truyền thống đặc sắc nhất. Họ sống rải rác ở khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam thậm chí là khắp nơi trên thế giới, nhưng dân tộc này cư trú tập trung đông nhất là ở Ninh Thuận.Tuy chịu ảnh hưởng của tôn giáo Bà la môn, nhưng nghi lễ cưới hỏi của người Chăm ở Ninh Thuận lại mang nhiều nét văn hoá truyền thống hơn là văn hoá tôn giáo.

Là một trong những dân tộc hiếm hoi theo chế độ mẫu hệ; phong tục cưới hỏi của dân tộc Chăm rất khác với dân tộc Kinh ở Việt Nam. Để biết nghi lễ cưới hỏi của người Chăm ở Ninh Thuận khác và độc đáo như thế nào thì các bạn hãy cùng wpg.com.vn tìm hiểu qua bài viết này nhé !

Vài điều bạn có thể chưa biết về người Chăm ở Ninh Thuận

Người Chăm đã theo chân của các vua quan triều Nguyễn mở mang bờ cõi về phía Nam. Và sau đó họ đã an cư lạc nghiệp tại đây. Trong quá trình giao thương với người Mã Lai; thì đạo Hồi theo con đường này du nhập vào các dân tộc Chăm ở Việt Nam. Họ sống và làm việc theo các giáo điều trong kinh Koran; điều này được thể hiện rõ nét nhất là trong các nghi thức cưới hỏi của người Chăm.

Đồng bào Chăm tại tỉnh Ninh Thuận đa số theo tôn giáo Bà La Môn; họ có quan niệm đời người có 3 lần sinh; trong đó lúc mới được sinh ra là lần sinh đầu tiên. Cưới vợ hoặc cưới chồng là lần sinh thứ hai, và lần sinh thứ ba là lúc mất đi.

Trong ba lần sinh này, người Chăm xem lần sinh thứ hai (cưới hỏi) là quan trọng nhất. Bởi lẽ, đây là yếu tố quyết định để duy trì nòi giống, kế thừa; phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mà thế hệ trước đã sáng tạo; gìn giữ rồi truyền lại cho các thế hệ sau.

Nghi thức trong cưới hỏi của người Chăm ở Ninh Thuận

Palwak panwơc (Lễ dạm ngõ), Paklauh panwơc (Lễ dứt lời)

lễ dạm ngõ

Dân tộc Chăm duy trì chế độ mẫu hệ nên quyền chủ động trong hôn nhân thuộc về nhà gái. Nên nhà gái sẽ đi hỏi chồng và người con trai sau khi kết hôn phải theo về ở rể tại nhà vợ.

Nghi thức trước tiên sẽ là Lễ dạm hỏi (Palwak panwơc), tiếp đến là Lễ hỏi (Nau pwơc) với lễ vật đơn giản như: trầu cau, rượu, bánh trái, bánh tét, và cá đuối tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, ‘con đàn cháu đống’ sau này.

Sau lễ dạm hỏi là Lễ dứt lời (Paklauh panwơc). Trong lễ này đại diện hai họ cùng nhau quyết định ngày tháng tổ chức để tiến đến lễ cưới chính thức (Harei bbang mưnhum) cho đôi vợ chồng trẻ.

Trong phong tục cưới hỏi của người Chăm; cha mẹ sinh thành không đứng ra tổ chức cưới hỏi cho con cái mà là do Ông Inư bà Amư (ông bà nưmư) – cha mẹ đỡ đầu của cô dâu; ông bà nưmư phải là đôi vợ chồng hạnh phúc, gia đình hoà thuận; con cái đề huề, hợp tuổi với cô dâu, chú rể, am hiểu phong tục cưới hỏi và các nghi lễ. Nếu nhà trai đồng ý, ông bà nưmư sẽ thay mặt nhà gái để bàn bạc với nhà trai những bước tiếp theo để tổ chức đám cưới. Ngoài ra, theo tục lệ quy định, trong một năm ông bà nưmư chỉ được làm chủ hôn một lần vì theo quan niệm cha mẹ mỗi năm chỉ đẻ được một con.

Ngày tổ chức đám cưới được chọn trong Lễ dứt lời

Cũng như các dân tộc khác, người Chăm cũng quan niệm ngày lành tháng tốt. Do theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới cũng liên quan đến hệ âm, phải rơi vào đúng các tháng 3, 6, 10, 11 lịch Chăm và phải nhằm vào những ngày hạ tuần trăng (thuộc âm – từ đêm trăng tròn cho đến khi hết trăng). Ngày cưới phải rơi vào những ngày chẵn (các số thuộc âm): 2, 4, 6, 8, 10, 12, 14 Chăm lịch và phải vào ba ngày (thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm) trong tuần. Trong ba ngày ấy, lễ chính thức rơi vào ngày thứ Tư.

Giờ bắt đầu lễ cưới vào đầu buổi chiều (vì buổi chiều thuộc hệ âm). Cách tính ngày, giờ, tốt xấu của người Chăm khá phức tạp nhưng tuân thủ chặt chẽ theo những quy luật nhất định và phải thống nhất từ đầu đến cuối, lễ cưới thuộc âm và mang tính ‘mẹ’ rất rõ ràng. Đây là một phong tục cưới hỏi thể hiện chế độ mẫu hệ xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hoá dân tộc Chăm.

Harei bbang mưnhum (Lễ cưới chính thức)

lễ cưới chính thức

Trong lễ cưới hỏi của người Chăm ở Ninh Thuận, đám cưới sẽ bắt đầu vào ngày thứ Tư ở nhà trai, lễ cưới diễn ra với những lễ vật đơn giản. Sau đó, khoảng 2h chiều, mẹ đỡ đầu sẽ dẫn chú rể và họ nhà trai bắt đầu khởi hành sang nhà gái. Gần đến nơi, nhà gái tổ chức làm lễ đón rể (Rauk anưk mưatau) từ ngoài cổng làng về đến nhà gái.

Món ăn trong đám cưới là những món cổ truyền của dân tộc Chăm được làm từ các loại nông sản và vật nuôi như thịt gà, vịt, cá… các loại canh rau; đặc biệt là phải có cá đuối vì người Chăm quan niệm cá đuối là loại cá đẻ ra con; với mong muốn cầu chúc đôi vợ chồng trẻ sẽ con đàn cháu đống; có nếp có tẻ, ngoài ra, cá đuối còn tượng trưng cho ánh sáng.

Nghi lễ đưa đón rể và lễ nhập phòng the

Một nét văn hoá khá độc đáo trong đám cưới người Chăm Bà La Môn là trong ngày cưới; cha mẹ đẻ của cô dâu chú rể phải lánh mặt và không xuất hiện trong các nghi lễ đưa đón rể và lễ nhập phòng the của hai vợ chồng trẻ. Họ hàng đối với người Chăm rất quan trọng vì họ quan niệm rằng ‘lúc còn nhỏ là con của cha mẹ, lớn lên là con của họ hàng’. Vì vậy, khi cưới, cha mẹ ủy thác công việc cho ông bà nưmư để cô dâu chú rể làm quen với bà con trong tộc họ của hai bên trước. Chỉ sau lễ nhập phòng the, cha mẹ mới được xuất hiện.

Lễ nhập phòng the của người Chăm ở Ninh Thuận cũng vô cùng độc đáo; trong vòng 3 ngày 3 đêm; vợ chồng trẻ sẽ không được động phòng; trong phòng tân hôn sẽ có một chiếc cổ bồng mâm tơ hồng gồm trầu cau; nến sáp cháy suốt ngày đêm; ngăn cách giữa cô dâu với chú rể. Đôi vợ chồng trẻ phải giữ cho cây nến không bị tắt.

Sau ba đêm, ông bà nưmư làm một lễ nhỏ để tháo gỡ các bùa chú đã yểm trên gối chiếu và dời chiếc cổ bồng đi thì vợ chồng mới được động phòng. Phong tục ba đêm cấm động phòng này ảnh hưởng từ Ấn Độ. Người Ấn Độ xưa rất đề cao sinh hoạt tình dục sau khi kết hôn và phong tục cưới hỏi này trở thành nghệ thuật mà điển hình là bộ kinh tình yêu còn được lưu truyền đến ngày nay.

Tục đưa rể đến nhà cô dâu

tục đưa rể

Từ thánh đường, đám đông sẽ đưa chú rể đến nhà cô dâu. Khi đến nơi, mọi người ở lại bên ngoài sân. Một người bên nhà gái ra cửa đón chú rể rồi đưa tận đến phòng cưới. Phòng cưới của người Chăm được trang hoàng rực rỡ; cùng đi có 3 bé trai mang theo 3 cái ô. Cô dâu được trang điểm xinh đẹp và sẽ chờ chú rể trên chiếc giường cưới; trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Chăm.

Khi vào đến bên trong phòng, chú rể bước đến và ngồi cạnh cô dâu, 3 cái ô đặt trước mặt họ. Các lò hương trầm được thắp lên. Các bà và các cô bên nhà gái cùng với đôi tân hôn cầu nguyện và chúc cho hôn lễ. Trên đầu cô dâu được giắt 3 chiếc trâm. Chú rể sẽ rút 1 chiếc trâm dài nhất ở giữa đặt vào tay của cô dâu; hành động này nhằm khẳng định bây giờ nàng đã chính thức trở thành vợ của chàng.

Tiếp theo, chú rể sẽ thay bộ đồ do cô dâu tặng để ra ngoài tiếp khách bên nhà vợ. Một lúc sau thì quay về nhà cha mẹ ruột. Cô dâu cũng theo về bên phía nhà trai cùng với cô hoặc dì của bên chồng. Cô dâu và chú rể sẽ đến vái chào các bà trong họ nhà chồng và họ hàng nhà mình.

Nghi thức, lễ nghi khác

Sau khi đưa rể đến nhà gái xong, mọi người quay về nhà. Bao giờ thực khách đến đông đủ; bà mẹ sẽ đi chào khách nữ; người cha sẽ đi tiếp khách nam. Để chia vui với gia đình; các vị khách mời sẽ tặng lại một phong bì đựng tiền.Mọi người cùng cầu nguyện và các món ăn mặn được dọn lên. Trước khi vào tiệc, sẽ có một người xách một ấm nước và một cái thau nhỏ đến trước mặt từng khách; rót nước cho khách rửa tay.

Thức ăn chỉ có một món duy nhất là cơm trắng ăn với cà ri bò và dưa chua (củ hành, củ kiệu, gừng, cải đỏ và cải trắng), muối tiêu chanh. Người Chăm trong làng sống gắn bó với nhau. Dù họ không phải là họ hàng của nhau, nhưng khi trong tộc có hỷ sự, hiếu sự, mọi người đều đến và giúp đỡ lẫn nhau.

Theo luật Hồi giáo, người dân tộc Chăm không uống rượu trong các bữa tiệc cưới. Và bữa tiệc của họ cũng được kết thúc nhanh; không ồn ào và kéo dài như tiệc cưới của người Kinh. Chính vì thế, cho dù lúc quá vui hay quá buồn; họ đều thờ phụng thánh Ala; tuân thủ nghiêm ngặt các điều răn của đạo Hồi.

Qua đám cưới người Chăm ở Ninh Thuận; thấy được rất nhiều phong tục tập quán đặc sắc; đặc biệt là không có tục thách cưới và các nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Chăm luôn được bảo tồn và phát huy rất tốt. Sự kế thừa này đã mang đến nét văn hóa độc đáo của dân tộc Chăm ở vùng đất ‘nắng như Phan, gió như Rang’ này.

Nguồn: luhanhvietnam.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sự kiện - Lễ hội